LÝ TƯỞNG CỦA THẾ HỆ THANH NIÊN NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN QUA “TÂY TIẾN” – QUANG DŨNG VÀ “ĐẤT NƯỚC” – TRÍCH MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.”
( Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
Thời kì kháng chien đã đi qua nhưng dấu ấn của nó vẫn còn im đậm trong những sáng tác của thơ ca cách mạng Việt Nam. Mỗi bài thơ hướng đến phản ánh những vẻ đẹp khác nhau, nhưng dường như hai nhà thơ lớn của chúng ta – Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm đã có sự đồng vọng khi đều tìm đến lý tưởng cao cả, đẹp đẽ của thế hệ trẻ đương thời qua hai đoạn trích:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.”
( Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
Cái tên Quang Dũng gợi nhớ về một ngòi bút đa tài, lãng tử, có một quãng thời gian tương đối dài gắn bó với binh đoàn Tây Tiến trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Và tất cả những điều đó đã thôi thúc tác giả viết nên những vần thơ lay động lòng người về sự hy sinh và lý tưởng cao cả của những người chiến sĩ anh hùng trong thời chiến:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Hai câu thơ đầu thể hiện lí tưởng, khát vọng của người lính Tây Tiến. “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Câu thơ đầu tiên nếu được tách ra sẽ là bức tranh vô cùng ảm đạm. Rải rác đâu đó nơi biên cương của Tổ Quốc, nơi lạnh lẽo xa xôi là những nấm mồ vô danh không một vòng hoa, không một nén hương tưởng niệm. Hai chữ “rải rác” gợi vẻ hiu hắt, quạnh quẽ, thê lương của những nấm mồ nơi biên cương này. Khung cảnh như khiến ta liên tưởng đến sự thê lương trong những câu thơ của bài “Chinh phụ ngâm” “Hồn tử sĩ ù ù gió thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi /Chinh phu tử sĩ mấy người /Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”. Quay lại với thơ của Quang Dũng, câu thơ 7 chữ nhưng có đến 4 chữ là từ Hán Việt: Biên cương, viễn xứ. Dường như tác giả muốn bao bọc cho những nấm mồ xa xứ ấy không khí thiêng liêng, đượm màu thành kính, đồng thời làm dịu bớt, vơi đi phần nào sự ngậm ngùi, tiếc thương. Tuy nhiên, đến câu thơ thứ hai, ngòi bút của Quang Dũng đã có sự chuyển đổi. Nếu ở trên là sự ảm đạm thì đến đây, câu thơ như một nốt thăng được bật lên từ chính sự ảm đạm ấy. Mặc dù khung cảnh những nấm mồ hoang lạnh vẫn hằng ngày trải ra trên những cung đường hành quân của người lính nhưng nó không hề làm cho các anh nhụt chí, sờn lòng mà trái lại nó càng nung nấu quyết tâm trong các anh “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. “đời xanh” là tuổi trẻ, là bao mơ ước, khát vọng, là tương lai phơi phới đang mở ra phía trước nhưng không gì quý hơn Tổ Quốc, không tình yêu nào lớn hơn tình yêu Tổ Quốc. Vì thế hai chữ “chẳng tiếc” vang lên rất quyết liệt, rất dứt khoát như một lời thề sắt đá. Nó làm ta nhớ đến câu thơ của Thanh Thảo “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ Quốc”. Người lính Tây Tiến đã vượt lên trên tất cả để xả thân, cống hiến. Câu thơ đã gợi lại không khí của cả một thời đại
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông." Tư tưởng của cả một nền thơ cách mạng hào hùng! Hai câu thơ cuối đoạn viết về sự hy sinh của những người lính Tây Tiến, nhưng bi mà không lụy, bi mà vẫn vút lên chất tráng ca. Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khốc liệt, dữ dội. Đã hơn một lần trong bài thơ, tác giả đã khắc họa cái khốc liệt ấy. Trong chặng đường hành quân, nhiều người lính Tây Tiến đã gục ngã “Gục lên súng mũ bỏ quên đời” vì thế mà nơi hành quân ấy là vô vàn những nấm mồ liệt sĩ vô danh. Quang Dũng một lần nữa dành ngòi bút để nói về sự hy sinh anh dũng của họ bằng hình ảnh “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Câu thơ trước hết xuất phát từ thực tế của những người lính trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp rất thiếu thốn, thiếu thốn mọi thứ, đó không chỉ là quân trang, quân dụng, lương thực, thuốc men, đạn dược mà thiếu thốn cả những vật dụng để bọc thây họ trong giờ phút xa lìa cõi đời. Người lính Tây Tiến nằm xuống không có cả đến tấm chiếu để bó thây, đồng đội phải đan cho họ những tấm nứa rất tạm bợ. Những con người đã chiến đấu thật anh dũng nhưng khi nằm lại trong lòng đất mẹ chỉ có manh áo mặc ngoài, manh áo mà bình thường là những chiếc áo, áo sờn, áo vá rất tội nghiệp. Thế nhưng, tác giả đã cố gắng làm giảm đi sự đau thương ấy bằng cách nói “áo bào thay chiếu” và “về đất”. “Áo bào” là áo mặc ngoài của những chiến tướng ngày xưa, tạo vẻ oai phong, lẫm liệt, nó khiến hình ảnh của những người lính Tây Tiến trở nên thật hào hùng. Còn “về đất” là cách nói giảm, nói tránh, người lính Tây Tiến nằm xuống không phải là sự hy sinh mà các anh đang trở lại vòng tay của Đất mẹ để nghỉ ngơi sau những ngày tháng chiến đấu oanh liệt. Nó cho thấy tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản của người lính Tây Tiến bởi họ đã hoàn thành xứ mệnh của mình đối với Tổ Quốc, họ đã hy sinh sinh mạng của mình để xây đài tự do cho dân tộc. Và hình ảnh cuối cùng khép lại đoạn thơ đó là “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Dòng sông Mã – người bạn, chứng nhân trên suốt quãng đường hành quân của những người lính, trước sự hy sinh của họ đã gầm lên điệu kèn của thiên nhiên để tiễn đưa những người lính anh hùng. Tiếng kèn thiên nhiên ấy vang lên như tiếng của hàng loạt đại bác trong giờ phút cuối cùng của những người chiến sĩ. Nó có phần uất ức, bi phẫn nhưng vấn thật hùng tráng. Điều làm nên thành công của đoạn thơ còn là bút pháp lãng mạn và màu sắc bi tráng. Bút pháp lãng mạn ưa khám phá những vẻ đẹp dữ dội, phi thường và luôn hướng đến thủ pháp đối lập mạnh mẽ. Tác giả không hề né tránh những hiện thực khốc liệt của chiến trường nhưng cái bi hiện lên vẫn mang âm hưởng hào sảng, mạnh mẽ, bi mà không lụy! Tất cả đã nâng đỡ hình ảnh thơ và tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Nói đến Nguyễn Khoa Điềm là nói đến nhà văn với ngòi bút mang đậm dấu ấn trữ tình chính luận. Thơ ông đa phần gắn với những sự kiện, dấu mốc quan trong của lịch sử dân tộc. Và trường ca Mặt đường khát vọng là một trong số đó, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1971. Đặc biệt Nguyễn Khoa Điềm đã để lại trong tác phẩm một khoảng lặng để hướng đến ý thức, lý tưởng cao cả sẵn vì đất nước vì dân tộc:
“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.”
Trong đoạn trích từ văn bản “Đất nước” ( trích trong chương V Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm đã xây dựng lập luận rất chặt chẽ. Thứ nhất, tác giả đã khẳng định tiền đề “Đất Nước là máu xương của mình”. Một phát hiện khá thú vị của nhà thơ. Đất nước không chỉ tồn tại như một thực thể bên ngoài cách biệt, đất nước không chỉ là ngả đường, dòng sông như cách nói của Nguyễn Đình Thi “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây la của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/Những ngả đường bát ngát” mà đất nước còn nằm trong chúng ta, đất nước là máu thịt, là xương cốt của mỗi người. Điều này, tác giả Hoàng Cầm trong bài thơ Bên kia sông Đuống đã từng nói “Đứng bên này sông sao nhớ tiếc /Sao xót xa như rụng bàn tay”. Đất nước là chính bản thân nên khi Tổ quốc bị chia cắt cũng đau đớn như phần thân thể của mình bị đứt lìa ra. Vận mệnh của Đất nước cũng là vận mệnh của cá nhân mình. Hay nói cách khác, số phận của cá nhân nằm trong số phận của Đất nước. Từ nhận thức ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã đi đến kết luận “Phải biết gắn bó và san sẻ/Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/Làm nên Đất Nước muôn đời.” Điệp từ “Phải biết” vang lên như một mệnh lệnh đầy lý trí, yêu cầu mỗi chúng ta phải thức tỉnh, phải nhận ra nhiệm vụ của mình đối với Tổ Quốc. Vậy xứ mệnh đó là gì, nó đã được gói gọn trong ba từ “gắn bó, san sẻ và hóa thân”. Đất Nước là một phần cơ thể của mình nên phải gắn bó, phải yêu thương tổ quốc. Sau đó còn là sự san sẻ, chia sẻ, đồng cam, cộng khổ nhất là khi Đất nước gặp nguy nan hay đối mặt với giặc ngoại xâm. Và biểu hiện cao nhất của sự san sẻ là
“hóa thân” khi sẵn sang hy sinh cả bản thân để bảo vệ sinh mệnh của Tổ quốc. Có như vậy thì chúng ta mới giữ được một Đất nước vẹn tròn và dài lâu. Ý thức này không chỉ của riêng Nguyễn Khoa Điềm mà đó là ý thức chung của mỗi người khi Đất nước gặp nguy nan, như Quang Dũng cũng đã viết “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Thời đại đã xây dựng một ý tưởng đẹp đẽ và thiêng liêng như vậy. Phong cách thơ trữ tình chính luận của Nguyễn Khoa Điềm cũng thể hiện đậm nét. Cấu trúc của đoạn thơ dường như chính là cấu trúc của bài nghị luận, câu mở đoạn là một tiền đề và từ tiền đề đó dẫn đến kết luận. Nhưng để bắt đầu đoạn thơ chính luận, tác giả bắt đầu bằng cụm từ hô gọi “Em ơi em”, nó khiến cho giọng điệu thơ trở nên nhẹ nhàng, thân thương, gần gũi thay vì sự khô khan, cứng nhắc truyền thông của chính luận. Nhờ đó, sự truyền cảm cũng sâu sắc hơn, ý thơ chạm đến trái tim người đọc một cách thấm thía hơn.
Hai đoạn thơ cùng ra đời trong hoàn cảnh đất nước gặp nguy nan. Tây Tiến được viết trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp, năm 1948, giai đoạn còn nhiều khó khăn, gian khổ còn trường ca Mặt đường khát vọng ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1971 vô cùng ác liệt. Trên nền tảng như vậy, hai đoạn thơ đều đã làm nổi bật lý tưởng của thanh niên trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm: sẵn sang dâng hiến tuổi thanh xuân, sẵn sang hy sinh xương máu để xây đài tự do cho dân tộc.
Mỗi đoạn thơ cũng mang một dấu ấn riêng. Đoạn trích và bài thơ Tây Tiến nói chung được viết bằng bút pháp lãng mạn với âm hưởng bi tráng của chàng trai Hà thành vừa rời ghế nhà trường để tham gia chiến đấu. Còn Nguyễn Khoa Điềm lại dành cho thơ mình ngòi bút trữ tình chính luận của một cử nhân khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm, có chiều sâu của sự chiêm nghiệm và tầm nhìn bao quát. Nếu Tây Tiến thiên về cảm xúc thì trường ca Mặt đường khát vọng dường như mang tư tưởng và ý thức rõ nét hơn. Bên cạnh đó, Tây Tiến chọn thể hiện bằng thể thơ 7 chữ, bóng dáng của thể thất ngôn thơ Đường cùng những từ Hán Việt khiến đoạn trích mang vẻ đẹp cổ điển, thiêng liêng, hình ảnh người lính cũng như ẩn hiện trong hình ảnh những tráng sĩ thời xưa. Còn Mặt đường khát vọng lại viết theo thể thơ tự do, mang tinh thần nóng hổi của thời đại.
Cả hai đoạn trích đã gặp nhau ở lý tưởng, ở ý thức sẵn sang hy sinh và hiến dâng cho Tổ quốc của thế hệ thanh niên đương thời cũng như các thế hệ mai sau. Nhưng bằng ngòi bút sáng tạo và phong cách nghệ thuật riêng, mỗi tác giả đã có cách tiếp cận và khai thác khác nhau, mang đến cho người đọc chiều sâu cảm xúc và cái nhìn đa chiều về cả một thời đại anh hùng trong lịch sử.
The post Lý tưởng của thế hệ thanh niên những năm kháng chiến qua Tây Tiến -Quang Dũng và Đất Nước -Nguyễn Khoa Điềm appeared first on Công thức học tập.